Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXII Mùa Thường Niên (Lc 4,38-44) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 4,38-44

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Cr 3,1-9

Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như nói với những con người sống theo Thần Khí nhưng như với những con người sống theo xác thịt … Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn cứng: vì anh em chưa chịu nổi.

Phaolô, được thấm nhuần Thần Khí, đã đảm nhận cho mình một sự “khôn ngoan” trổi vượt trên tất cả mọi lý lẽ của thế gian. Giờ đây ông lưu ý các người Côrintô, ông không thể cho tất cả của ăn ông muốn cho. Như một nhà giáo dục tài ba, ông biết lượng định trình độ hấp thụ của họ.

Đức Giêsu cũng đã nói như thế với các Tông đồ Người: “Bây giờ anh em chưa thâu nhận được hết, sau này, anh em sẽ hiểu thêm”.

Lạy Chúa, xin giúp con đặt mình vào vị trí của kẻ khác, để họ thế nào thì con yêu thương họ thế ấy, chứ không theo sở thích của con.

Riêng về phần các trẻ nhỏ, chớ gì con biết tôn trọng những bước tiến của chúng.

Tôi cầu nguyện cho các người đang sống mật thiết với tôi, để mỗi người trong họ tiến tới. Khởi đầu từ điểm tựa … rồi tiến từng bước một, thế thôi.

Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt, bao lâu giữa anh em còn có sự ghen tuông và cãi cọ. Thì tư cách của anh em chẳng phải theo thói của người phàm sao?

Lý do họ thiếu khả năng hiểu biết Đức tin là vì họ còn quá lệ thuộc vào những đam mê ích kỷ: ghen tương, cãi cọ, phe phái so với các người rao giảng (phần tôi, tôi thuộc về Phaolô, còn tôi, tôi về phe Apollô), tất cả điều ấy chứng minh rằng họ chưa trưởng thành trong Đức tin, còn “quá phàm tục”.

Khi anh em nói: “Tôi, tôi theo ông Phaolô” và người khác. “Tôi, tôi theo ông Apollô” thì anh em chẳng là người phàm sao?

Đối với Phaolô, bất cứ trường hợp nào, cũng không chấp nhận phe phái trong Hội Thánh. Ngày nay, nọc độc này luôn hăm dọa các cộng đồng Kitô hữu. Luôn có nguy cơ phe phái chung quanh vị thủ lãnh đoàn.

Tôi có thường nghĩ rằng ai cũng phải có đồng quan điểm với tôi, và không ai có thể đến với Đức Kitô bằng con đường khác ngoài con đường tôi đi không?

Lạy Chúa, xin giúp con có một tầm nhìn rộng mở.

Xin giúp các Kitô hữu biết chấp nhận nhau vì không đồng quan điểm, miễn là sự khác biệt chính đáng ấy về phương diện nhân loại không chia rẽ họ trầm trọng trong lĩnh vực Đức tin.

Khác biệt về phụng vụ. Khác biệt về chính trị, khác biệt về văn hóa.

“Tôi, tôi thích Thánh lễ bằng tiếng Latinh … còn tôi, tôi chống đối”.

“Tôi, tôi theo ông dân biểu này … còn tôi, tôi về phe ông đối lập …”.

Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Đó là những người tôi tớ đã giúp anh em có Đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban.

Apollô có thể là nhà giảng thuyết hùng biện hơn Phaolô.

Tôi trồng. Anh Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.

Các đức tính của các nhà giảng thuyết đều cần thiết. Nhưng chúng chỉ là một dụng cụ trong tay Thiên Chúa.

Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa; anh em là cánh đồng của Thiên Chúa trồng tỉa.

Ở đây, chúng ta đoán biết được ý niệm rất quan trọng về “tính tập đoàn”: Các bạn đồng nghiệp Tông đồ chỉ làm thành một tập thể Tông đồ mà ơn đoàn sủng mỗi người có được, là để cộng tác vào công việc chung, công việc của Thiên Chúa.

Theo nhãn quan này, thật là nực cười, khi ta chống đối, tạo phe nhóm. “Là cộng sự viên của Thiên Chúa” … Tôi cầu nguyện dựa theo kiểu diễn tả đẹp đẽ trên.

Bài đọc II: Cl 1,1-8

Côlôxê là một thành bên Tiểu Á, không xa Ephêsô, nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thành này không được loan báo Tin Mừng bởi Phaolô. Nhưng bởi Epaphra, ngài lãnh trách nhiệm viết thư cho Hội Thánh tại Côlôsê vì một “cuộc khủng hoảng” đe dọa giáo đoàn này, và cuộc khủng hoảng này, chính là một sự sùng bái quá mức đối với các Thiên Thần (Lc 2,18), liều chiếm chỗ của Đức Kitô. Bởi vậy, như thói quen, Người sắp nhấn mạnh vào vai trò trọng yếu không thể thay thế được của Chúa Kitô.

Tất cả các nhà chú giải nghĩ rằng Thánh Phaolô đã viết thư này vào cuối đời Người, khi bị giam giữ tại Rôma (từ năm 21-63). Vậy trong tài liệu này, chúng ta có một tổng hợp thần học rất ngắn, nhưng diễn tả tư tưởng chính mùi nhất của Phaolô như nó sẽ được triển khai trong thư gửi dân Ephêsô.

Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu do ý định Thiên Chúa, và anh Timôthêô, kính gửi các Thánh ở Côlôsê và anh em tín hữu trong Đức Kitô.

Đây là địa chỉ và lời chào mở đầu mọi thứ.

Hai lần, xuất hiện ở đây từ “anh em”. Đó là cách các Kitô hữu tiên khởi gọi nhau. Đối với chúng ta, Kitô giáo có phải là một tình huynh đệ lớn lao không?

“Anh em trong Chúa Kitô” … bởi vì không chỉ nói về tình liên đới nhân loại tạo nên do gia đình, môi trường, nòi giống. Người nhắm tới các tương quan nhân loại dưới góc cạnh Đức tin: Con người cùng liên kết với một Đức Kitô, thì đều là anh em với nhau. Tôi xét lại các liên hệ của tôi theo ánh sáng này.

Các phần tử của dân Thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an.

Phaolô có thói quen gọi các Kitô hữu là “Các Thánh” (Rm 1,7. 6,19. 15,25; 2 Cr 9,1 ; 1 Cr 1,2. 6,1. 14,33 v.v…). Điều đó không có ý nói là họ đã hoàn hảo và sạch tội. Nó có nghĩa là họ thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa khi tiếp nhận sự sống của Người: “Thiên Chúa là Cha chúng ta”. Đó là lý do mới để gọi nhau là “anh em”.

Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em.

Chính “việc tạ ơn”, mà từ đó bắt đầu phần lớn các thư của Thánh Phaolô. Lạy Chúa, cả con nữa, con muốn được Chúa ban cho con một tâm hồn vui tươi, không ngừng tạ ơn. Khi nghĩ tới … ở đây, tôi kể ra tên những người tôi có trách nhiệm.

Chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và lòng mến của anh em đối với toàn thể Dân Thánh, từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời.

Điều làm nên đặc tính của các Kitô hữu, và trở thành đề tài của kinh nguyện, chính là Đức tin, đức ái và đức cậy. Kiểu nói để cho hiểu rằng chính đức cậy là động lực của hai nhân đức kia. Người Kitô hữu đang đi. Họ biết họ đi đâu. Đời sống họ có một ý nghĩa. Họ đi về trời. Và Đức tin, đức ái là như sự nếm hưởng trước khung trời này, nơi sẽ thể hiện đầy đủ mọi khát vọng của con người.

Anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em. Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới.

Khi người ta nghĩ rằng các Kitô hữu khi đó chỉ là một thiểu số bé bỏng! Và chúng ta đôi khi phải trải qua thời kỳ than khóc vì những khủng hoảng của Hội Thánh. Lạy Chúa, xin cho chúng con cái năng lực phấn khởi này. Xin ban cho mỗi Kitô hữu cảm thấy có trách nhiệm về “sự tiến bộ” của Đức tin trong toàn thế giới.

BÀI TIN MỪNG: Lc 4,38-44

Ngang qua trình thuật của Luca, ta hãy chiêm ngắm những hoạt động khác nhau của Đức Giêsu.

1. Người cầu nguyện công khai:

Đức Giêsu rời khỏi hội đường.

Giữa mỗi làng Do Thái, thường có một “nhà cầu nguyện”, hay Hội đường … tương tự như nhà thờ, nhà nguyện của ta ngày nay.

Ngay từ sáng sớm, Đức Giêsu thường đến Hội đường, cùng với nhiều người Do Thái đạo đức. Người ngồi vào hàng ghế, đọc thuộc lòng những câu Thánh Vịnh, thân mình lắc lư từ phải sang trái như luật định, để giúp lời Chúa thấm nhập theo các nhịp cử động của thân xác … như ta còn thấy những người Đông phương thường làm như hiện nay. Thánh Vịnh, Lề luật … Đức Giêsu đã thấm nhuần từ lâu.

Phải, Người đã suy tư, nghiền ngẫm, nhai đi nhai lại từng lời Kinh Thánh. Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết coi trọng việc tiếp nhận lời Chúa cách đều đặn như Chúa. Khi con cầu nguyện, nhất là với Thánh Vịnh, xin giúp con biết liên kết với Chúa, bằng cách luôn nghĩ rằng Chúa đã đọc chính những lời kinh đáng kính này, trong Hội đường của làng quê Chúa, mỗi buổi sáng.

2. Người sống với một vài người bạn thân cận:

Người đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.

Khi còn ở Nagiarét, Chúa đã trải qua phần lớn ngày sống của Chúa nơi gia đình. Lúc khởi sự cuộc sống công khai, Chúa đã chọn lựa một gia đình khác, một ngôi nhà khác, ngôi nhà của Simon Phêrô, tại Capharnaum. Đó là nơi mà Chúa đã thể hiện những tương quan thân tình, tương quan của đời thường.

Con cũng vậy, bổn phận đầu tiên của con là phải quan tâm đến những người đang sống với con hàng ngày, những người gần cận. Con cố hình dung ra thái độ của Chúa đối xử với những người mà Chúa tiếp gặp hằng ngày … như Phêrô, hay bà nhạc mẫu của ông.

3. Người làm điều tốt lành:

Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, cơn sốt dứt ngay và lập tức bà trỗi dậy lo tiếp đãi các ngài. Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt trên từng bệnh nhân và chữa họ. Người xua trừ ma quỷ.

Lạy Chúa, đó là một trong những công tác chủ yếu của Chúa. Tin Mừng của Chúa ghi đầy những bệnh nhân được chữa lành, những quỷ dữ bị xua đuổi.

Chúa đã đến trần gian để chữa lành và cứu sống. Chỉ cần Chúa hiện diện, là sự ác đã lùi xa. Trong ý nghĩa đó, bệnh tật là biểu tượng muốn nói lên: Chúng luôn gây tổn thất cho con người. Chúng làm cho con người giảm mất khả năng hoạt động rõ ràng. Chúng gây hại … do đó, chúng được coi như một hình ảnh dễ cảm nhận và cụ thể, tiêu biểu cho một sự xấu ác khác, có tính nội tâm hơn và ít kiểm chứng được: Đó là tội lỗi. Để minh chứng sự xấu ác đó là điều đáng ngại nhất đối với con người, Chúa đã “xua trừ quỷ dữ”.

Lạy Chúa, xin giúp con biết tham dự vào cuộc giao chiến lớn của Chúa.

Trong đời sống riêng tư, cũng như trong thế giới chung quanh, xin giúp con luôn biết làm lùi giảm điều ác và tăng tiến sự thiện. Chớ gì, cùng với Chúa và như Chúa, con biết hoạt động để giúp anh em con luôn sống triển nở, được hạnh phúc và không ngừng thăng tiến.

Ngày nay, việc cứu chữa mà con có thể góp phần để làm thăng tiến trong con, trong các anh em con, trong xã hội … là gì?

4. Người lại cầu nguyện một mình:

Người dành thời gian: có lúc cầu nguyện công cộng tại Hội đường, có khi cầu nguyện một mình tư riêng.

5. Người rao giảng Tin Mừng:

Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa.

Sứ điệp mà Đức Giêsu cảm thấy có bổn phận phải loan truyền, không thể giữ lại: “Cần phải …”.

Đừng cầm giữ Tôi. Còn biết bao người chưa được nghe biết những điều “tốt lành” mà Tôi có bổn phận phải nói cho họ về Thiên Chúa. Đó là khát vọng truyền giáo. Phải làm cho những kẻ còn ở ngoài, được nghe Tin Mừng ơn cứu độ. Tôi có sự nhiệt thành hăng hái đó không? Hay tôi chỉ là Kitô hữu cho riêng mình?

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giê-su chữa bà mẹ vợ ông Si-mon.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Chúa Giê-su chữa lành cơn sốt cho bà mẹ vợ ông Si-mon. Ở đây Đức Giê-su ra lệnh cho cơn sốt, được coi một sức mạnh chiến thắng quỷ (4,35 và 41), để tỏ uy quyền trên sự dữ. Điều này giúp chúng ta tin tưởng vào ơn của Chúa trong việc chữa lành các bệnh tật. Và như vậy, khi chúng ta xin ơn chữa trị phần hồn thì chúng ta cũng được ơn phần xác.

2. Sau việc chữa lành một người trong nhà cầu nguyện (hội đường: 4,31-37), thì bây giờ là việc chữa người đàn bà bị cơn sốt trong một tư gia: chi tiết này cho thấy ơn Chúa là ban bởi Chúa chứ không phải do nơi chốn. Vì thế, cầu nguyện ở nhà thờ hay ở bất cứ nơi đâu cũng đẹp ý Chúa, nhưng cầu nguyện ở nhà thờ thì có điều kiện, hoàn cảnh và bầu khí thuận tiện hơn và phù hợp với phụng vụ hơn.

3. “Họ xin Người chữa bà”:

Lời cầu xin của người này có hiệu nghiệm cho người kia. Vì thế chúng ta nên cầu nguyện cho nhau, nhất là khi cần có ơn Chúa giúp.

4. Đức Giê-su ra lệnh cho cơn sốt: Cũng như trước đó Người đã truyền lệnh cho quỷ. Điều này chứng tỏ:

- Quyền năng được tỏ bày qua lời Chúa nói

- Chúa tỏ uy quyền trên sự dữ

- Chúa giải thoát con người khỏi sự dữ

Như vậy sức mạnh của chúng ta thắng sự dữ, thắng ma quỷ ở nơi Danh Chúa, vì thế, chúng ta cần cầu nguyện, cần gắn bó với Chúa để có đủ can đảm chống trả mọi sự dữ và vượt thắng mọi cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

5. “Cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài”:

Bà mẹ ông Si-mon sau khi được chữa lành đã đền đáp ơn Chúa bằng việc phục vụ các ngài. Chúng ta cần nhìn nhận những ơn lành của Chúa để khơi dậy lòng biết ơn Chúa và đền đáp ơn Chúa cách thiết thực, nhất là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong việc bổn phận, trong công tác tông đồ truyền giáo.

6. Trong câu chuyện Chúa trừ quỷ và chữa lành bệnh sốt, thánh sử dùng kiểu nói “Chúa truyền lệnh, hoặc đe dọa”, để diễn tả rằng: Chúa không diệt trừ quỷ và sự dữ mà chỉ chế ngự nó thôi. Nhưng sẽ có một ngày Chúa Giê-su sẽ tiêu diệt bệnh hoạn và sự chết trong chính Người, bằng sự đau khổ và cái chết của chính Người. Nhưng Người không tiêu diệt ma quỷ, là vật thọ tạo có tự do, mà chỉ làm cho nó không có khả năng làm hại mà thôi. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng:

-Sự dữ mà ma quỷ vẫn hoành hành trên trân gian và đe doạ cũng như gây thiệt hại cho con người, nên chúng ta không tránh được sự dữ!

-Nhưng nhờ ơn cứu độ của Chúa Giê-su Kitô, chúng ta có sức mạnh chiến đấu và chiến thắng sự dữ cũng như ma quỷ.

7. Đức Giê-su chữa lành nhiều người đau yếu:

Chúa Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế bằng việc chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và trừ quỷ. Những ai muốn đón nhận ơn cứu độ thì phải đến với Chúa bằng đức tin, cậy, mến và sống theo Chúa

8. Đức Giê-su rao giảng tại miền Giu-đê; nội dung rao giảng là Tin Mừng Nước Thiên Chúa

 “Nước Thiên Chúa “có thể hiểu:

+ Trong Tin Mừng Do-Thái giáo, kiểu nói chỉ vương quyền trường tồn của Thiên Chúa trên thế giới (Tv 93,1-2;95,3; 99,1-4) và tiên báo cuộc chiến thắng của Người vào thời cứu độ (Is 52,7; Tv 96,10; 97,1).

+ Trong Tin Mừng, Đức Giê-su thường dùng kiểu này, theo nghĩa thứ hai:

“Nước” được hiểu theo nghĩa bóng: Ơn cứu độ được coi như một nơi người ta vào ở (7,28); nơi người ta ngồi dự tiệc (13,28-29; 14,15; 22,16-20)

+ Kiểu nói “Triều đại” để diễn tả về chủ quyền của Thiên Chúa được biểu lộ và nhìn nhận vào thời cứu độ (10,9-11; 11,2-20; 17,20-21…)

+ Nước hay triều Đại Thiên Chúa thường là đề tài rao giảng của Đức Giê-su (8,1; 9,1; 16,16), cũng như các môn đệ Chúa Giê-su (9,20.16); và như vậy cũng như là của mỗi kitô hữu trong mọi thời đại.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.